Công bố điểm thi: Tự tử vì thi trượt đại học

hoanganhxinh

Thành Viên [LV 0]
Thời gian này đã gần 300 trường Đại học trên cả nước công bố điểm thi, và khi niềm vui đến với người này thì cũng là lúc nỗi buồn ập đến với người khác.



Trượt Đại học, cú sốc đầu đời

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm số thí sinh trúng tuyển vào kỳ thi ĐH, CĐ chỉ chiếm 30%, còn lại 70% thí sinh không có cơ hội bước vào giảng đường. Những năm gần đây, tình trạng học sinh tự tử vì trượt Đại học ngày càng tăng. Nhiều người không khỏi xót xa khi nhắc lại những câu chuyện đau lòng này.

Theo thống kê của Tạp chí Tri thức trẻ, Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ trượt đại học cao nhất thế giới. Thời gian này đã gần 300 trường Đại học trên cả nước công bố điểm thi đại học năm 2012, đây được coi là niềm vui của nhiều thí sinh nhưng cũng là nỗi đau khổ tột cùng của không ít bạn trẻ. Có thể nói rằng, thời điểm hiện tại là mùa trạng nguyên và cũng là mùa tự tử. Áp lực từ gia đình, nhà trường, bạn bè và chính từ bản thân đã dẫn các em tới quyết định nông nổi: tự tử. Cái chết khi thi trượt Đại học như một sự giải thoát khỏi thế giới với đầy những khổ đau, u tối.

Vào đầu tháng 7/2010, nữ sinh N.T.H. (sinh năm 1992, ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã uống thuốc trừ cỏ vì không nhận được giấy báo thi ĐH.

Trước đó, ngày 20/8/2009, em Nguyễn Thị V. (SN 1991, ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) đã tự tử bằng lá ngón do thất vọng trước kết quả dự thi ĐH.

Ngày 14/8/2006, em Nguyễn Thị Diệu T. (SN 1988, ở Nam Định) đã treo cổ tự tử trong phòng riêng sau khi biết tin mình thi trượt ĐH.

Cũng tại Nam Định, chiều 2/8/2005, em Trần Duy H. (SN 1987) đã thắt cổ tự tử sau khi biết tin mình không đỗ vào ĐH.

Những ngày công bố điểm thi như thế này càng có nhiều phụ huynh đưa con đến chuyên khoa thần kinh hoặc các trung tâm tư vấn nhờ "sốc" lại tinh thần cho con. Theo BS Công Thiện, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, sau khi có kết quả thi đại học hàng năm, các bệnh viện lại tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị sang chấn tâm lý do thất bại trong thi cử. Bị trầm cảm và mắc chứng rối loạn tâm thần do áp lực học hành, thi cử đang trở thành vấn đề đáng báo động đối với học sinh, sinh viên. Nếu không có cái nhìn đúng đắn và tích cực, cùng sự hỗ trợ của gia đình, sẽ xảy ra những chuyện hết sức buồn lòng.

Tự tử - Giá trị sống tính bằng điểm số

Vì sao lại có những chuyện thương tâm này? Trước tiên cần phải biết rằng giá trị sống của những bạn trẻ tự tử vì áp lực thi cử được đo bằng điểm số. Nếu các em ấy có giá trị sống khác thì đã không có tình huống đáng buồn này xảy ra. Giá trị sống này từ đâu mà có? Điều này xuất phát từ căn bệnh thành tích trở thành “thâm căn cố đế” trong nền giáo dục nước nhà. Một tình trạng hết sức phổ biến ở cấp Tiểu học, THCS là học trò luôn học theo công thức khô cứng. Nếu học sinh viết những gì trái với bài mẫu cô dạy thì sẽ bị điểm thấp. Năng lực giáo viên hạn chế chỉ là một phần, cái chính vẫn là bệnh thành tích?

Bên cạnh đó, áp lực học tập nặng nề, nhiều khi thiếu đi sự cảm thông từ phía thầy cô, gia đình thì tự tử trở thành giải pháp duy nhất. Ở nhiều gia đình, thi đỗ Đại học đã trở thành mục tiêu quan trọng, thậm chí bắt buộc phải đạt được với nhiều học sinh. Nhiều người cho rằng, chỉ khi đỗ Đại học mới có tấm bằng thì mới kiếm được công việc tốt, mới được gọi là thành công. Vì thế, thi đỗ Đại học đã trở thành gánh nặng ghê gớm cho học sinh. Mười hai năm ăn học, phấn đấu cũng để "cá chép hóa rồng". Và khi không thể "hóa rồng", đó là sự thất bại cho các em và cả gia đình

Nhiều học sinh rất lúng túng trong việc tìm cách thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và vượt qua stress. Sau kỳ thi đại học, bên cạnh bảng vàng ghi danh các thủ khoa xuất sắc, danh sách những thí sinh dại dột không ngần ngại tự kết liễu bản thân hoặc rối loạn tâm thân ngày một nối dài. Nguyên nhân của việc này chính là vì giới trẻ chưa được trang bị kỹ năng sống, và đặc biệt là chưa được phụ huynh, nhà trường quan tâm dạy bảo đúng mực về vấn đề này. Điều này cần được báo động cho toàn xã hội.

Đại học không phải con đường độc đạo

Để hạn chế tình trạng này, gia đình, nhà trường nên chuẩn bị trước tâm lý cho con, rằng vào Đại học không phải là một con đường duy nhất. Kỳ thi vào Đại học cũng không phải là kỳ thi duy nhất. Có nhiều con đường đến với thành công. Vào đại học là một trong những con đường đó. Nhưng đôi khi, người ta bị ánh sáng của con đường này làm mờ mắt, lầm tưởng đó là con đường độc đạo mà quên mất rằng, còn nhiều con đường khác. Điều quan trọng là, mỗi người đi đến thành công có thể bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng đều phải có quyết tâm, ý chí và nghị lực lớn.

Trượt đại học có thể được xem như là vấp ngã đầu tiên của mỗi người trên con đường còn lắm chông gai và nhiều thử thách phía trước. Một khi đã trải qua những thử thách này thì trước mỗi khó khăn, cá nhân sẽ chững chạc hơn, sâu sắc hơn, và quyết đoán hơn.

Trên thế giới có khoảng 120.000 nhà khoa học tàn tật. Họ đã vượt lên hoàn cảnh của mình để làm nên những điều kỳ diệu. Trong số đó phải kể đến Thomas Alva Edison với khuyết tật là: điếc, không có khả năng học tập (năm 12 tuổi mới biết đọc) và khả năng viết lách rất kém kể cả khi đã có những phát minh lớn của thời đại. Thế nhưng ông đã có hơn 1.000 phát minh về những đồ vật trong cuộc sống. Nổi tiếng nhất là phát minh ra bóng đèn điện, máy hát, máy ghi âm, tàu điện, máy quay phim, hệ thống điện báo.

Tại nhiều quốc gia khác, việc không có bằng đại học không phải lúc nào cũng là lực cản trên con đường đi lên của những người tài giỏi. Ví dụ, tuy không có bằng đại học nhưng nhiều năm qua người lãnh đạo hãng Apple - ông Steve Jobs, người đã bị đuổi khỏi trường trung cấp ngay từ học kỳ đầu tiên) vẫn tạo nên nhiều thăng tiến trong sự nghiệp kinh doanh.

Một câu chuyện rất dung dị và sâu sắc. Trong một lần về thăm một trường Trung học, thầy hiệu trưởng giới thiệu với Bill Gates: "Trong con mắt các em học sinh của tôi, Microsoft là một thần thoại, còn cái tên Bill Gates là cả một cuốn sách huyền bí. Các em đều mong muốn có thể hiểu được ngài”. Nhưng Bill Gates lại trả lời rất giản dị: “Trước đây tôi chỉ toàn đến các trường đại học, thế mà bản thân tôi lại chưa tốt nghiệp đại học nào. Nay có dịp được đến trường trung học, tôi rất sung sướng, bởi tôi đã tốt nghiệp trung học rồi”.

Thầy giáo David McCollough, người đứng trên cao của đỉnh vinh quang đã nhắc nhở những sinh viên tốt nghiệp Đại học trong một bài viết gây sốc của mình: “Các em không thể là “cái rốn” của vũ trụ. Ngay cả tỉ phú Mỹ nổi tiếng Donald Trump cũng chẳng là “cái đinh” gì! Đừng mong chờ cảm hứng và niềm đam mê sẽ tự tìm đến với các em. Hãy đứng dậy, bước ra bên ngoài, tự mình khám phá, tìm kiếm cảm hứng cùng niềm đam mê và hãy giữ chắc nó bằng đôi tay”.

Thật vậy, dù muốn hay không thì cũng đã đến lúc em phải bước vào cuộc đời thực đầy chông gai. Mỗi cá nhân hãy luôn xác định cho mình một con đường, sống trọn vẹn với trách nhiệm với đam mê của mình thì khi đó mọi chuyện sẽ thanh thản hơn nhiều.
 
Back
Bên trên