NHỮNG DẤU HIỆU RỚT PHỎNG VẤN MỌI ỨNG VIÊN NÊN BIẾT

Langmaster Careers

Thành Viên [LV 1]
Khi phỏng vấn kết thúc, chắc hẳn đa số các ứng viên đều quan tâm đến việc mình có được nhà tuyển dụng lựa chọn hay không. Vậy làm sao để nhận biết buổi phỏng vấn của bạn thành công hay thất bại? Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây để nắm ngay những dấu hiệu rớt phỏng vấn và có sự chuẩn bị tốt nhất nhé!

1. Buổi phỏng vấn kết thúc sớm

Đối với những vị trí làm việc part-time, thời gian diễn ra phỏng vấn thường khá ngắn, khoảng 10-15 phút là hợp lý. Tuy nhiên, khi vị trí ứng tuyển càng cao cũng đồng nghĩa các yêu cầu đặt ra càng khắt khe và đòi hỏi nhiều thời gian để nhà tuyển dụng tìm hiểu ứng viên. Do đó, trong những tình huống này, nếu họ chủ động kết thúc buổi phỏng vấn sớm thì rất có thể đây là dấu hiệu phỏng vấn không thành công.

null


Nếu thực sự hứng thú với kỹ năng làm việc, kinh nghiệm bạn đã chia sẻ thì chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ không ngần ngại bỏ thời gian để trao đổi kỹ hơn. Việc này vừa giúp khai thác thêm thông tin về bạn, đồng thời cũng là một dấu hiệu cho thấy họ muốn “mời” bạn tới công ty làm việc.

2. Thiếu sự tương tác khi phỏng vấn

Trong một buổi phỏng vấn, sự tương tác qua lại giữa nhà tuyển dụng và ứng viên là điều vô cùng cần thiết. Điều này không có nghĩa bạn được phép cướp lời của nhà tuyển dụng và nói “thao thao bất tuyệt”. Vì đây chắc chắn là một tín hiệu báo trước cuộc phỏng vấn của bạn không thành công.

Tuy nhiên, bạn cũng không thể ngồi im và lắng nghe người phỏng vấn nói suốt từ đầu tới cuối buổi. Vì vậy, nếu chỉ để mỗi nhà tuyển dụng nói liên tục và bạn không thể tiếp lời họ thì đó chính là một trong những những dấu hiệu rớt phỏng vấn.

Để tránh kết quả phỏng vấn không như mong muốn, bạn hãy chủ động đưa ra một vài câu hỏi với mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về công việc cũng như công ty của họ. Chắc chắn điều này sẽ để lại một ấn tượng nhất định trong lòng nhà tuyển dụng.

3. Nhà tuyển dụng mất sự tập trung

Những cử chỉ, biểu cảm luôn là một dấu hiệu giúp bạn nhận biết phỏng vấn thành công hay thất bại. Một số hành động như mất tập trung khi trò chuyện, luôn hướng mắt về phía cửa, tựa lưng vào ghế,... chắc chắn là dấu hiệu điển hình cho thấy nhà tuyển dụng không hài lòng và đang cảm thấy chán nản về cuộc nói chuyện.

Nếu cứ để sự việc tiếp tục như vậy, đây sẽ là một tín hiệu xấu và bạn cần chuẩn bị tinh thần trước vì rất có khả năng phỏng vấn sẽ thất bại. Vì vậy, hãy chủ động thay đổi chủ đề, tạo thiện cảm bằng nụ cười để buổi phỏng vấn trở nên đỡ nhàm chán.

Xem thêm:

=> CÁCH VIẾT CV CHUẨN, CHINH PHỤC MỌI NHÀ TUYỂN DỤNG

=> TỔNG HỢP 999+ MẪU CV ĐẸP, CHUYÊN NGHIỆP CHO MỌI NGÀNH NGHỀ

4. Người phỏng vấn yêu cầu bạn nói nhanh hơn

Đây đích thị là một trong số những dấu hiệu rớt phỏng vấn khá phổ biến. Nếu nhà tuyển dụng đột nhiên ngắt lời, chuyển sang đề tài khác hoặc yêu cầu bạn trình bày vấn đề nhanh hơn, thì cũng có nghĩa họ đang trở nên mất kiên nhẫn với bạn. Nhà tuyển dụng không hài lòng có thể vì tính cách của bạn quá nhàm chán hoặc họ cảm thấy năng lực hiện tại của bạn không đủ để đáp ứng yêu cầu công việc.

null


Thông thường, người phỏng vấn sẽ rất hạn chế đưa ra yêu cầu như muốn ứng viên tăng tốc độ nói chuyện. Nhưng một khi điều này xảy ra thì có lẽ buổi phỏng vấn đó có nguy cơ sẽ thất bại. Khi đó, bạn nên tiếp tục tìm kiếm một công ty mới hay một việc làm mới thay vì chờ đợi kết quả trong vô vọng.

5. Nhà tuyển dụng hẹn bạn liên lạc lại sau

Khi một nhà tuyển dụng hẹn liên lạc với ứng viên sau buổi phỏng vấn thì có thể xảy ra một trong ba trường hợp sau đây:

  • Trường hợp 1: Đây là một trong những quy định của công ty. Các ứng cử viên xuất sắc vượt qua vòng phỏng vấn sẽ nhận được thông báo qua email và báo trực tiếp qua điện thoại.
  • Trường hợp 2: Nhà tuyển dụng đã đưa ra quyết định từ chối ứng viên ngay lúc đó. Nhưng vì giữ phép lịch sự, họ buộc phải đưa ra một lời hứa hẹn như một cách để không làm bạn quá thất vọng.
  • Trường hợp 3: Nhà tuyển dụng đang cân nhắc lựa chọn các ứng viên khác. Nếu họ hứa hẹn sẽ chỉ liên lạc với các ứng viên nào xuất sắc thì điều này có thể hiểu rằng, bạn không tạo đủ ấn tượng và tỷ lệ đậu phỏng vấn khá thấp, trừ phi những ứng viên khác đều trình bày tệ hơn bạn.
Nếu ở trong trường hợp này, bạn hãy thử nhìn lại một lượt xem buổi phỏng vấn vừa rồi bản thân đã hoàn thành xuất sắc hay chưa? Có khả năng đây chính là những dấu hiệu rớt phỏng vấn mà bạn cần phải lưu ý.

6. Nhà tuyển dụng chau mày với mức lương bạn đề nghị

Đây cũng là một trong những dấu hiệu rớt phỏng vấn một phần. Bởi nếu không thể đưa ra thỏa thuận thống nhất về mức lương, thì cho dù bạn là một nhân tài, nhà tuyển dụng cũng sẽ khó lòng mà đáp ứng nguyện vọng này của bạn.

null


Vì vậy, trước buổi phỏng vấn, bạn hãy nghiên cứu thật kỹ để đưa ra một con số phù hợp với vị trí bản thân đang ứng tuyển. Ngoài ra, áp dụng kỹ năng đàm phán lương trong phỏng vấn. Điều này có thể sẽ góp phần giúp bạn thành công khi phỏng vấn.

7. Người phỏng vấn không hỏi bạn về chuyên môn

Các câu hỏi về chuyên môn luôn là một trong những phần chính của buổi phỏng vấn. Ứng viên có thể thể hiện năng lực, trình độ, phẩm chất và sự hiểu biết của bản thân về vị trí ứng tuyển. Đồng thời, qua việc trao đổi về chuyên môn, nhà tuyển dụng cũng có thể dựa vào đó để đưa ra quyết định lựa chọn nhân sự phù hợp.
Tuy nhiên, nếu trong buổi phỏng vấn, họ không đề cập đến vấn đề chuyên môn thì cũng có nghĩa là hai bên vẫn chưa đi vào phần chính. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn không phải là sự lựa chọn họ mong muốn cho vị trí tuyển dụng.

Xem thêm:

=> TỔNG HỢP 35 CÂU HỎI PHỎNG VẤN THƯỜNG GẶP KHI ĐI XIN VIỆC

=> NHỮNG CÂU HỎI PHỎNG VẤN THÚ VỊ, ĐỘC LẠ Ở CÁC DOANH NGHIỆP LỚN

8. Nhà tuyển dụng không hứa hẹn gì

Sau khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường sẽ cho ứng viên một lời hẹn sẽ liên lạc lại. Đó có thể là một lời hẹn gặp lại thông thường hoặc sẽ sớm phản hồi. Hoặc thậm chí, họ có thể sẽ đề xuất vào vòng 2 sau khi trình lên cấp trên, hoặc giới thiệu các bước tiếp theo nếu cảm thấy ứng viên đủ điều kiện và tiềm năng...

Tuy nhiên, trong trường hợp bạn không nhận được bất kỳ lời hứa hẹn nào từ họ, thì khả năng cao đây là những dấu hiệu rớt phỏng vấn. Hãy rút kinh nghiệm từ lần phỏng vấn này và lên tinh thần chuẩn bị cho lần phỏng vấn tiếp theo.

9. Người phỏng vấn không đề cập đến lương, phúc lợi

Hầu hết các công ty sẽ đề cập tới vấn đề lương và các phúc lợi trong buổi phỏng vấn. Đây là vấn đề liên quan đến quyền lợi của ứng viên, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc và mức độ cống hiến sau này. Vì vậy, nếu nhà tuyển dụng không hề đề cập về mức lương, phúc lợi với bạn thì có lẽ đây chính là dấu hiệu phỏng vấn thất bại.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp một số công ty sẽ dành phần này trao đổi với ứng viên trong vòng phỏng vấn tiếp theo. Bạn hãy tham khảo qua chính sách tuyển dụng của công ty muốn ứng tuyển để chắc chắn hơn về điều này nhé.

10. Nhà tuyển dụng nhắc đến các kỹ năng bạn thiếu sót

Đây là cách khéo léo mà nhà tuyển dụng muốn cho bạn biết rằng buổi phỏng vấn này không có nhiều hy vọng. Thay vì nói trực tiếp rằng bạn không phù hợp với vị trí công việc, họ sẽ chọn cách nói tránh bằng việc đề cập đến những điều họ cần ở một ứng viên tiềm năng mà bạn lại không có.

Dù rằng đây là một lời từ chối, nhưng nếu thay đổi góc nhìn, bạn nên tiếp thu và lắng nghe để biết những điểm bản thân còn thiếu sót. Hãy dựa vào những đánh giá và yêu cầu đó để hoàn thiện hơn và tìm kiếm cơ hội mới trong tương lai nhé!

null


11. Nhà tuyển dụng đưa ra góp ý, lời khuyên

Khi phỏng vấn những ứng viên không đạt yêu cầu, một nhà tuyển dụng có tâm sẽ đưa ra một số lời khuyên chân thành khi nhìn thấy những khuyết điểm, thiếu sót từ ứng viên. Đây cũng là một dấu hiệu bạn có thể ngầm hiểu rằng bản thân không phải là người được chọn. Tuy nhiên, đừng quên gửi lời cảm ơn và vận dụng những góp ý của họ, để tìm kiếm cơ hội mới cho bản thân nhé!

Trên đây là tổng hợp những dấu hiệu rớt phỏng vấn thường gặp nhất. Hãy nhớ rằng dù buổi phỏng vấn không thành công như mong đợi, nhưng chỉ cần bạn luôn giữ vững tinh thần và không ngừng học hỏi thì chắc chắn bạn có thể trở thành một ứng viên giỏi và tìm được một công việc như ý.

Nguồn: https://careers.langmaster.edu.vn/nhung-dau-hieu-rot-phong-van-moi-ung-vien-nen-biet
 
Back
Bên trên