Tin tức Xuất khẩu tiêu, điều, cao su: "Nỗi buồn" riêng trong niềm vui chung

vanchuyenachau1

Thành Viên [LV 0]
Năm nay XK nông sản liên tiếp đón nhận những tín hiệu tích cực với sự tăng trưởng nổi trội của các mặt hàng như lúa gạo, rau quả..., đóng góp quan trọng vào tính khả thi của con số XK hơn 40 tỷ USD toàn ngành trong cả năm. Tuy nhiên, trong niềm vui chung đó, XK các mặt hàng cây công nghiệp như tiêu, điều, cao su... lại có phần ngược chiều.

10xkhotieu_Baohaiquan_vn.jpg

Hồ tiêu là mặt hàng nông sản XK điển hình có giá XK giảm mạnh trong thời gian qua. Ảnh: ST.
Lượng tăng nhưng giá trị giảm

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 10 tháng đầu năm, XK nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 32,6 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị XK mặt hàng nông sản chính ước đạt 16,4 tỷ USD (tăng 2,3%); giá trị XK thuỷ sản ước đạt 7,24 tỷ USD (tăng 6,2%) và giá trị XK chăn nuôi ước đạt 0,46 tỷ USD (tăng 9,5%)...

Trong khi nhiều mặt hàng nông sản điển hình như lúa gạo, rau quả... đều ghi nhận tín hiệu tích cực, tăng cả lượng và giá, thì hàng loạt mặt hàng cây công nghiệp như tiêu, điều, cao su... lại không mấy khả quan. Kim ngạch XK các mặt hàng này đều đi theo chiều lượng tăng, giá trị giảm. Đáng chú ý, có mặt hàng giá XK giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Với hồ tiêu, thống kê mới nhất cho thấy, lũy kế XK 10 tháng đầu năm ước đạt 207 nghìn tấn và 676 triệu USD, tăng 7,9% về khối lượng nhưng giảm tới 33,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường chính của hạt tiêu Việt Nam trong 9 tháng đầu năm tiếp tục là Mỹ, Ấn Độ, Pakistan. XK hạt tiêu sang các thị trường này đều có xu hướng tăng về khối lượng nhưng vẫn giảm về giá trị do giá thấp. Giá XK tiêu bình quân 10 tháng đầu năm ước chỉ đạt 3.266 USD/tấn, giảm tới 38,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Với XK hạt điều cũng ghi nhận kết quả lượng tăng giá trị giảm. 10 tháng qua, XK hạt điều ước đạt 301 nghìn tấn và với kim ngạch 2,78 tỷ USD, tăng 3,39% về lượng nhưng giảm 3,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường NK điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 42%, 13% và 12% tổng giá trị XK. Về mặt giá cả, đến hết tháng 10, giá XK bình quân hạt điều đạt khoảng 9.303 USD/tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng chung tình cảnh với hồ tiêu, hạt điều là mặt hàng cao su. Ước tính khối lượng XK cao su 10 tháng đạt 1,21 triệu tấn và 1,66 tỷ USD, tăng 13,4% về khối lượng nhưng giảm 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 9 tháng đầu năm, kim ngạch XK cao su của Việt Nam sang các thị trường chủ chốt như Trung Quốc, Malaysia... đều giảm so với cùng kì năm 2017, trừ thị trường Ấn Độ và Indonesia. Đáng chú ý, giá cao su XK bình quân tháng 10 của Việt Nam ước đạt 1.293 USD/tấn, tăng nhẹ 0,66% so với tháng 9 nhưng giảm tới 15,7% so với mức giá 1.535 USD/tấn của cùng kì năm 2017.

Hóa giải điểm yếu từng ngành hàng

Đứng từ góc độ "người trong cuộc", ông Ngô Văn Tiên, xã Nam Giang, huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai (chủ trang trại trồng hồ tiêu, cà phê, mỗi năm thu lãi 5 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí) cho hay: Thực tế, việc tiêu thụ nông sản có khá nhiều bấp bênh, thường bị thương lái ép giá. Nông sản làm ra có chất lượng cao nhưng giá bán không được như mong muốn.

Vấn đề tiêu thụ nông sản, đặc biệt là những mặt hàng cây công nghiệp như tiêu, điều, cao su... thậm chí còn được đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) đem ra Nghị trường trong phiên chất vấn đầu tháng 11 mới đây. Theo vị đại biểu này: “Cử tri Bình Phước rất phấn khởi vì nhóm nông sản chủ lực của tỉnh như cao su, hạt tiêu, hạt điều trong top nhóm XK đạt 1 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều cử tri vẫn rất lo lắng, băn khoăn trước tình trạng giá cả XK thấp, có nhiều biến động và liên tục rớt giá nhiều năm qua. Đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết khuyến cáo của ngành đối với cử tri Bình Phước và cả nước trong định hướng chiến lược phát triển đối với cây cao su, cây tiêu, cây điều trong thời gian tới”.

Xung quanh câu chuyện XK nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay: Năm nay, toàn ngành có thể đạt mục tiêu tăng trưởng và XK cao. Tuy nhiên, kết quả không được trọn vẹn, vì riêng khu vực cây công nghiệp năm nay giá thấp, thậm chí có một vài sản phẩm rất thấp, không phải chỉ có cao su, tiêu, điều mà kể cả mía.

Theo Bộ trưởng Cường: Trên thực tế, Bộ NN&PTNT đã nhìn thấy từng cây, từng đối tượng, ngành hàng có những điểm yếu gì để trong chương trình tái cơ cấu từng bước khắc phục. Điển hình như với riêng cây điều, điểm yếu có thể kể đến là Việt Nam phải nhập khẩu tới 70% nguyên liệu cho ngành điều; năng suất cây điều Việt Nam mặc dù so với thế giới gấp đôi, nhưng so với cây trồng khác và so với yêu cầu người nông dân thì còn phải nâng lên nữa; cần tận dụng hơn nữa các phế liệu khác từ quả cây điều... "Tin tưởng với sự tập trung, quyết tâm chung và sự đồng hành của các cơ quan nhà nước, cụ thể của Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cùng với các địa phương, đặc biệt là các tỉnh Đông Nam Bộ và một số tỉnh Tây Nguyên, các DN cũng như bà con nông dân, chúng ta sẽ từng bước một khắc phục được những tồn tại trong ngành điều nói riêng và những cây công nghiệp khác nói chung", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Liên quan tới câu chuyện XK nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nêu quan điểm: "Năm nay, XK toàn ngành phấn đấu mục tiêu đạt 40 tỷ USD và có thể tăng lên 50 tỷ USD vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, cần rất nhiều giải pháp khác nhau liên quan tới nhiều bộ, ngành. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo phát triển nông sản theo lợi thế quốc gia, lợi thế vùng và lợi thế của tỉnh. Điều quan trọng nhất trong quá trình đẩy mạnh tổ chức tái cơ cấu, đó là không thể làm ăn riêng lẻ mà phải có liên kết, áp dụng khoa học công nghệ. Chỉ có như vậy mới nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị gia tăng sản phẩm nông sản cũng như thu nhập của người nông dân".
Theo baohaiquan.vn
 
Back
Bên trên