Biến đổi khí hậu có thể \"đe doạ chỗ sinh sống của 17 triệu người Việt Nam\"

Herot

HVACR Staff
Biến đổi khí hậu có thể "đe doạ chỗ sinh sống của 17 triệu người Việt Nam"
(4-12-2007 21:22:3)

small_17307.jpg

PGS. PTS Trần Thục.

Chưa bao giờ vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) lại được đề cập nhiều và nóng bỏng như trong thời điểm này. Theo nghiên cứu mới nhất của Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á từ sự BĐKH này.

Nhân sự kiện Hội nghị về BĐKH toàn cầu đang diễn ra tại Indonesia, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với PGS. PTS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khí tượng Thuỷ văn trung ương, về vấn đề này.

Thưa ông, theo báo cáo mới nhất của LHQ, Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á từ sự biến đổi khí hậu, xin ông hãy nói rõ hơn về thực tế đáng sợ này?

Biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ động chạm đến những yếu tố cơ bản của đời sống nhân loại trên phạm vi toàn cầu - nước, lương thực, sức khỏe và môi trường. Hàng trăm triệu người có thể phải lâm nạn đói, thiếu nước và lụt lội tại vùng ven biển do trái đất nóng lên. Sử dụng kết quả thu được từ các mô hình kinh tế hình thức, báo cáo tổng quan của Nick Stern (www.sternreview.org.uk) dự toán rằng nếu chúng ta không hành động, tổng chi phí và rủi ro do BĐKH gây ra, tương đương với thiệt hại mỗi năm ít ra là 5% GDP toàn cầu kể từ nay trở đi. Nếu xét đến rủi ro và tác động với biên độ rộng hơn thì thiệt hại (hàng năm) được ước tính có thể lên tới 20% GDP hoặc lớn hơn. Ngược lại, chi phí cho hành động giảm phát thải (khí nhà kính GHGs), nhằm giảm bớt những tác động xấu của BĐKH, có thể chỉ giới hạn trong phạm vi 1% GDP hàng năm. BĐKH sẽ tác động nghiêm trọng đến năng suất sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng: những nạn nhân nhạy cảm nhất, bao gồm các quốc gia và các tầng lớp dân chúng nghèo nhất, sẽ phải hứng chịu sớm nhất và nặng nề nhất, mặc dù họ lại góp phần nhỏ nhất trong việc tạo ra các nguyên nhân BĐKH. Những phí tổn do các hiện tượng thời tiết cực trị gây ra, trong đó phải kể đến lũ lụt, hạn hán, bão, đã bắt đầu gia tăng ngay cả đối với những nước giàu.

Theo nghiên cứu mới nhất chuẩn bị công bố, đến cuối thế kỷ (2100), nhiệt độ của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 2 đến 4,5oC và mực nước biển sẽ dâng lên khoảng 10 đến 68 cm. Và nếu sự biến đổi khí hậu cứ diễn ra như với tốc độ hiện nay thì trong vòng khoảng 100 năm nữa, nhiều diện tích đất liền trên trái đất, trong đó có vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long và sông Hồng, có thể sẽ ngập chìm trong nước biển.

Việt Nam, một nước đang phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, nằm trong nhóm nước dễ bị tổn thương bởi các vấn đề môi trường do BĐKH gây ra như lũ lụt, hạn hán, bão… Bên cạnh đó, với bờ biển dài, vấn đề mực nước biển dâng cao có thể làm mất 12,2% diện tích đất của Việt Nam và đe dọa tới chỗ sinh sống của 17 triệu người. Những biến động thời tiết bất thường gây thiệt hại lớn cho đời sống dân nhân dân và đất nước mà chúng ta thường gọi là thiên tai cần được nghiên cứu, xem xét theo hướng có sự báo động toàn cầu về gia tăng nhiệt độ bề mặt trái đất và mực nước biển ngày càng dâng cao.

Trước thực tế trên, xin ông cho biết hiện Việt Nam đã có biện pháp, chính sách gì để đối phó với tình hình?

Chính phủ Việt Nam đã khẳng định việc phòng chống, kiểm soát và giảm thiểu hậu quả của thiên tai là một trong những mục tiêu ưu tiên. Chính phủ cũng đã xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động giảm nhẹ thiên tai và Chương trình nghị sự Agenda 21 của Việt Nam.

Có thể kể ra một số sự chuẩn bị cụ thể của Việt Nam trước tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu như sau:

- Ký và phê chuẩn Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC) và Nghị Định Thư Kyoto (KP);

- Chỉ định Bộ Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan đầu mối Quốc gia về các hoạt động có liên quan đến việc thực hiện UNFCCC và KP;

- Triển khai các hoạt động liên quan đến BĐKH: Thành lập đội công tác và chuyên gia gồm các cán bộ, nhà khoa học, chuyên gia từ nhiều Bộ, Ngành thực hiện các nghiên cứu, dự án về BĐKH;

- Xây dựng các kịch bản BĐKH tại Việt Nam giai đoạn 2010 - 2070;

- Xây dựng các danh mục các dự án thuộc lĩnh vực BĐKH để kêu gọi tài trợ và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước công nghiệp hoá, các nước phát triển;

- Hình thành Cơ quan đầu mối về Cơ chế phát triển sạch (CDM) là một trong 3 cơ chế của KP phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam thông qua các dự án CDM;

- Và gần đây nhất, tại Phiên họp thường kỳ tháng 11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận “Giao Bộ Tài Nguyên và Môi trường xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia đối phó việc biến đổi khí hậu toàn cầu, kêu gọi các tổ chức quốc tế và các nước cùng tham gia (Báo Nhân Dân, số 19098 ngày Thứ 6, 30/11/2007).

Với tư cách là người đứng đầu một viện chuyên nghiên cứu về khí hậu đồng thời cũng là một nhà khoa học, ông có lời khuyên gì dành cho người dân Việt Nam để giúp giảm bớt những thảm hoạ gây ra do sự biến đổi khí hậu?

Tuy Việt Nam không nằm trong danh sách các nước bị cắt giảm phát thải khí nhà kính (KNK), nhưng chúng ta cần có các phương án giảm nhẹ phát thải KNK, các biện pháp ứng phó và thích ứng với BĐKH.

Chúng ta cũng cần nêu cao yêu cầu tiết kiệm năng lượng, hạn chế đến mức cần thiết việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch và sớm có kế hoạch phát triển năng lượng sạch.

Mặt khác, Việt Nam cũng cần yêu cầu các nước phát triển hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ mới, thân thiện với môi trường nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đồng thời sẵn sàn phối hợp với các nước phát triển trong việc xây dựng và thực hiện các dự án CDM tại Việt Nam phục vụ phát triển bền vững và giảm phát thải KNK.

Ngoài ra, một biện pháp cũng vô cùng quan trọng là chúng ta cần phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về khí hậu và biến đổi khí hậu ở Việt Nam để có cách thích ứng với BĐKH (sống chung với bão, lũ,...);

Về lâu dài, các ngành và các địa phương liên quan, nhất là các vùng đồng bằng ven biển, cần xem xét và áp dụng các thông tin về BĐKH vào các quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn.

Việt Nam là một nước đang phát triển, có nền kinh tế thấp nghèo nhưng lại thuộc nhóm các nước bị ảnh hưởng mạnh bởi BĐKH. Do đó cần tập trung phát triển kinh tế, nhưng phải đảm bảo phát triển bền vững trên nguyên tắc tôn trong quy luật tự nhiên và tự thích ứng với BĐKH và thiên tai.

Theo đánh giá của ông, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu mà LHQ đang tổ chức tại Bali, Indonesia, lần này liệu có đem lại kết quả gì không?

Hội nghị ở Bali lần này rất quan trọng vì 2 lý do: Thứ nhất Đối thoại Công ước (bàn về hậu Kyoto sau năm 2012) sẽ kết thúc tại Hội nghị lần thứ 13 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP13). Nếu không có thỏa thuận tại Bali thì điều này sẽ kết thúc. Thứ hai là những thông tin nóng bỏng từ Báo cáo đánh giá lần thứ 4 của Hội nghị liên quốc gia về thay đổi khí hậu (IPCC) đã làm dư luận rất quan tâm khiến cho các quốc gia nhận thấy cần phải hành động đối với biến đổi khí hậu. Nếu không thì sự quan tâm của xã hội sẽ bị mất và vì thế cơ hội cho các quyết định chính trị mạnh cũng bị mất theo.

Hơn nữa, có những vấn đề quan trọng, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, như CDM, sự thích ứng, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ rõ ràng khó đạt được hơn bên ngoài quá trình UNFCCC. Vì thế, chúng ta có thể hy vọng rằng Hội nghị Bali sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.

Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.

(Nguồn: VN Media)
 
Back
Bên trên