Dân Dụng Phân tích đánh giá các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ĐHKK ...

nguyenlm

Thành Viên [LV 1]
Em cũng quan tâm tới việc tiết kiệm năng lượng trong điều hòa không khí, xin trình bày một nghiên cứu của mình mong các bác góp ý!
PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ CÁC GIẢI PHÁP TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG TRONG ĐIỀU HOÀ KHÔNG KHÍ QUA BA LOẠI CÔNG TRÌNH TIÊU BIỂU
1. Mở đầu

Ngày nay chi phí năng lượng (NL) cho các quá trình sản xuất và đời sống ngày càng tăng cao và con người lại phải đối mặt với sự cạn kiệt của các nguồn NL không tái sinh, vì vậy việc sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả có ý nghĩa to lớn trong chiến lược phát triển bền vững hiện nay. Theo các kết quả khảo sát thực tế cho thấy, phần NL tiêu thụ cho hệ thống điều hòa không khí (ĐHKK) chiếm tỷ lệ cao từ 70 đến 90% tổng mức tiêu thụ điện của công trình. Do đó việc tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong ĐHKK là một nhóm mục tiêu của chương trình quốc gia về sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả.
2. Phân loại

Có nhiều giải pháp TKNL trong ĐHKK, tùy theo đối tượng, qui mô hay mục đích mà có các cách phân loại khác nhau. Hình 1 giới thiệu một cách phân loại theo ba nhóm chính.
untitled3.JPG


Hình 1. Phân loại các giải pháp TKNL trong ĐHKK
Bài báo này phân tích và đánh giá hiệu quả kỹ thuật các giải pháp TKNL nhờ giảm lượng nhiệt thừa trong các hệ thống ĐHKK trên ba loại công trình tiêu biểu: siêu thị, khách sạn cao tầng, tòa nhà văn phòng cho thuê. Giảm nhiệt thừa là giải pháp TKNL đòi hỏi phải tính đến ngay từ khi thiết kế kiến trúc công trình, nó mang lại lợi ích lâu dài suốt quá trình sử dụng.

3. Đặc điểm ba loại công trình tiêu biểu

Các hệ thống ĐHKK phục vụ cho nhiều loại công trình khác nhau, ở nhiều chế độ nhiệt ẩm khác nhau. Tuy nhiên chiếm phần lớn là điều hòa tiện nghi phục vụ cho ba loại công trình tiêu biểu sau:

Siêu thị, hội trường: là loại công trình thấp, diện tích mặt bằng rộng, kính cửa sổ và vách kính vừa phải, lượng người ra vào lớn.

Khách sạn cao tầng: là loại công trình có chiều cao lớn, diện tích mặt bằng nhỏ, do yêu cầu nghỉ ngơi nên diện tích kính vừa phải, lượng người ra vào không lớn.

Tòa nhà văn phòng cho thuê: là loại công trình có chiều cao lớn, diện tích mặt bằng không lớn lắm, do yêu cầu ánh sáng làm việc nên diện tích kính lớn, lượng người ra vào vừa phải.

4. Phân tích các giải pháp

Đối với một công trình cụ thể có chức năng hoạt động nhất định, ta không thể tác động để giảm nhiệt thừa tỏa từ máy móc, đèn chiếu sáng và người. Để giảm lượng nhiệt thừa do rò lọt không khí, có thể sử dụng các biện pháp che chắn, làm kín khít các khe cửa. Đối với các công trình có lượng người ra vào lớn có thể dùng các loại cửa chống rò lọt như cửa xoay hay phòng đệm. Sau đây đi sâu phân tích và đánh giá các giải pháp TKNL nhờ giảm thiểu nhiệt thẩm thấu qua kết cấu bao che, nhiệt do bức xạ mặt trời (BXMT), và nhiệt do gió tươi mang vào.

4.1. Giảm nhiệt thẩm thấu qua kết cấu bao che

Nhiệt lượng truyền vào nhà qua kết cấu bao che là đại lượng thay đổi theo thời tiết và phụ thuộc vào tính chất của kết cấu bao che mỗi công trình. Nhiệt thẩm thấu qua kết cấu bao che theo 3 hướng: qua nền, qua tường bao và qua trần. Nhiệt thẩm thấu qua nền thường nhỏ, do đó chỉ cần quan tâm tới giảm nhiệt thẩm thấu qua tường, đặc biệt là qua trần.

Đối với các công trình xây mới có thể giảm nhiệt thẩm thấu qua tường khi giảm hệ số truyền nhiệt k bằng cách bổ sung một lớp cách nhiệt thích hợp. Còn đối với công trình đã xây dựng có thể bọc cách nhiệt phía ngoài và ốp một lớp nhựa tổng hợp (Aluminium-Plastic)...

Để giảm nhiệt thẩm thấu qua mái cũng cần giảm k của mái bằng cách bổ sung lớp cách nhiệt, nhưng mái cần nhẹ nên giải pháp khả thi là làm mái có tầng không khí lưu thông. Một giải pháp khác nữa là che nắng cho mái bằng tôn, tạo ra một tầng không khí lưu thông khoảng 1m. Đối với các công trình không có mái bằng (như hội trường) có thể dùng mái tôn 2 lớp có cách nhiệt ở giữa.

4.2. Giảm nhiệt thừa do BXMT

Khi có BXMT chiếu lên bề mặt kết cấu bao che, nhiệt độ bề ngoài tiếp xúc trực tiếp với tia bức xạ tăng rất nhanh và luôn lớn hơn nhiệt độ môi trường không khí xung quanh làm xuất hiện ba dòng nhiệt thành phần: Dòng nhiệt đốt nóng làm tăng nhiệt độ kết cấu; dòng nhiệt toả ra môi trường không khí ngoài nhà và dòng nhiệt truyền từ mặt trong vào nhà. Nhìn chung nhiệt BXMT chủ yếu truyền vào trong công trình qua cửa kính, qua mái, lượng nhiệt truyền qua tường rất nhỏ. Đối với mái, ta có thể giảm k mái để giảm nhiệt do bức xạ truyền qua mái tuy nhiên biện pháp khả thi nhất để giảm lượng nhiệt này là che nắng. Có nhiều kiểu kết cấu che nắng, kết cấu che nắng nằm ngang che được mặt trời ở vị trí tương đối cao, nên phù hợp với các cửa sổ hướng Nam và các hướng lân cận. Kết cấu che nắng đứng có thể che được nắng khi mặt trời thấp và nắng chiếu lệch với hướng cửa, nên thích hợp với các cửa hướng Đông Bắc, Tây Nam, Bắc và gần Bắc. Kết cấu che nắng hỗn hợp do các tấm che nắng đứng và ngang hợp thành, có thể che được nắng khi mặt trời cao cũng như thấp mà nghiêng và có thể che mưa cho phòng. Các tấm đứng chắn trước cửa có tác dụng che được các tia nắng thấp chiếu thẳng vào các cửa hướng Đông, Tây hay các hướng lân cận, để giảm bớt nhược điểm cản gió và che tầm nhìn, người ta cải tiến tấm chắn kín, đặc thành tấm có khe hở, cấu tạo bằng các nan chớp, lỗ hoa...

4.3. Giảm nhiệt thừa do gió tươi mang vào

Đó là lượng nhiệt do lượng gió tươi cần cấp cưỡng bức để đảm bảo điều kiện tiện nghi mang vào, lượng nhiệt này phụ thuộc vào điều kiện thời tiết ngoài nhà và lưu lượng gió trao đổi. Vì lưu lượng gió là không thể thay đổi nên biện pháp duy nhất là sử dụng thông gió thu hồi nhiệt (HRV-Heat Reclaim Ventilation). Nhờ thông gió thu hồi nhiệt sẽ giảm được nhiệt độ và độ ẩm gió tươi cấp vào nhờ trao đổi nhiệt với gió thải, do đó giảm được nhiệt thừa do gió tươi mang vào. Hiện nay đã có nhiều hãng chế tạo các thiết bị HRV hoàn chỉnh được đặc trưng bởi các hiệu suất trao đổi entanpy và nhiệt độ [1].

5. Đánh giá hiệu quả kỹ thuật ba biện pháp TKNL

Theo các mục tiêu TKNL đã nêu, chúng tôi đã tiến hành tính toán tải lạnh bằng phần mềm DACCS-HKG của Daikin trên ba loại công trình tiêu biểu: Siêu thị, trung tâm văn hóa, thể thao, giải trí Hà Nội STARBOWL, 2B Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội; khách sạn cao tầng Hải Đăng Nha Trang; tòa nhà văn phòng cho thuê thời báo kinh tế Việt Nam (VET-Vietnam Economic Time) 96 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Kết quả thu được thể hiện trong bảng 1 và đồ thị hình 2. Hệ số k cho các công trình khi áp dụng biện pháp TKNL giảm nhiệt thẩm thấu qua kết cấu bao che được lấy theo [2], ktường= 0,55W/m2K, kmái= 0,36W/m2K.
untitled4.JPG


Bảng 1. Tổng hợp hiệu quả kỹ thuật khi áp dụng các biện pháp TKNL trên các công trình [3]

untitled5.JPG


Hình 2. Năng suất lạnh Q0 khi áp dụng các biện pháp TKNL trên các công trình
Nhận xét:

- Với Khách sạn Hải Đăng và tòa nhà VET khi áp dụng biện pháp che nắng, tải đỉnh đạt khoảng lúc 13giờ (lúc nhiệt độ lớn nhất), nếu không che nắng tải đỉnh đạt lúc 9giờ hoặc 15giờ (lúc BXMT lớn nhất). Với STARBOWL che nắng hay không không ảnh hưởng nhiều đến giờ đạt tải đỉnh.

- Với STARBOWL xây theo [2] giảm được tải lạnh nhiều hơn che nắng, với hai công trình còn lại che nắng giảm được tải lạnh nhiều hơn.

- Khi sử dụng hệ thống HRV, tải lạnh giảm được ở ba công trình xấp xỉ nhau (10,13%).

- Tổng tải lạnh giảm được khi áp dụng đồng thời hai hay ba biện pháp TKNL trên xấp xỉ bằng tổng tải lạnh giảm được khi áp dụng từng biện pháp.

Kết luận

- Biện pháp che nắng ngoài việc giảm được tải lạnh còn chuyển được tải đỉnh sang giờ nghỉ trưa 13giờ, thời gian này hệ thống ĐHKK có thể tạm nghỉ và tránh được tải đỉnh.

- Công trình càng cao, càng nhiều kính thì biện pháp TKNL bằng che nắng càng phát huy tác dụng.

- Công trình thấp, diện tích lớn thì xây theo [2] thì TKNL được nhiều nhất.

- Khi áp dụng hệ thống HRV thì hiệu quả TKNL không phụ thuộc qui mô và đặc điểm công trình, tải lạnh giảm được xấp xỉ 10,13%.

- Ba biện pháp TKNL trong các hệ thống ĐHKK nêu trên không ảnh hưởng lẫn nhau.
Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Đức Lợi. Hướng dẫn thiết kế hệ thống điều hòa không khí . NXB KH&KT 2005
2. TCVN Quy chuẩn xây dựng Việt Nam "Các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả"
3.Ks Lê Minh Nguyên - PGS. Ts Nguyễn Đức Lợi ĐH Bách Khoa Hà Nội - Phân tích đánh giá các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong điều hòa không khí qua ba loại công trình tiêu biểu - Nghiên cứu Khoa học ĐH BKHN 2007
 
Back
Bên trên