Thủ tướng ra quyết định giá điện 2011

HEATBOY

HVACR Staff
Lap%20cto%20moi.jpg


Trước năm 2009, giá điện được điều chỉnh không theo chu kỳ, trong vòng 12 năm từ 1997-2009 đã có 5 lần điều chỉnh giá điện với tổng lượng điều chính chỉ xấp xỉ 20% tùy theo từng loại giá (giá điện sinh hoạt bậc thang đầu tiên tăng từ 500đ/kWh năm 1977 lên 600đ/kWh năm 2009, giá điện sản xuất hạ áp bình thường tăng từ 810đ/kWh năm 1977 lên 955đ/kWh năm 2009). Trong 12 năm qua, giá điện luôn điều chỉnh chậm hơn so với biến động của các yếu tố đầu vào hình thành giá, nên giá điện Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp nhất, chỉ khoảng 5,2 cent/kWh (theo tỷ giá 19.500 VND/1USD), thấp nhất trong các nước Đông Nam Á và thấp hơn cả giá thành cho sản xuất kinh doanh điện với các yếu tố đầu vào theo giá thị trường. Giá điện thấp là nguyên nhân chính làm cho các dự án điện không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, dẫn đến tình trạng thiếu điện trong những năm qua.

Lựa chọn phương án có tỷ lệ tăng thấp nhất

Chiều 23/2/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định 269/QĐ-TTg phê duyệt giá bán điện bình quân 1.242 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng từ 1/3/2011, tăng 165 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân thực hiện năm 2010.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương trên cơ sở giá bán điện bình quân quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định này và Biểu giá bán lẻ điện được phê duyệt tại Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 23/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ, tính toán và công bố giá bán điện chi tiết cho các đối tượng khách hàng và hướng dẫn thực hiện. Riêng giá điện cho bậc thang đầu tiên của năm 2011 có giá ở mức tương đương 80% giá bán điện bình quân được duyệt do năm 2011, ngành điện vẫn còn lỗ. Bộ Công Thương hoàn chỉnh Quy định về phương pháp lập, trình tự thủ tục thẩm định và ban hành giá bán điện theo cơ chế thị trường, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I/2011. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi thực hiện giá điện năm 2011, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến sản xuất và đời sống, chủ động thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định giá điện; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.


Để đánh giá được một cách toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến giá điện nhằm lựa chọn được phương án giá điện hợp lý nhất cho năm 2011, nên ngoài phương án 1 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị, Bộ Công Thương đề xuất để xem xét thêm 2 phương án là: Giảm thiểu các chi phí và lợi nhuận để có tỷ lệ tăng giá điện năm 2011 ở mức hợp lý và thực tế nhất; tính toán các chi phí ở mức để giá điện năm 2011 tiệm cận gần nhất giá thị trường.

Sau khi xem xét 3 phương án điều chỉnh giá điện của Bộ Công Thương và ý kiến của các Bộ ngành liên quan, Thường trực Chính phủ chọn phương án 2 là giảm thiểu các chi phí và lợi nhuận để có tỷ lệ tăng giá ở mức hợp lý.


Giá bán điện bình quân của Phương án 2 tăng 18,03% với điều kiện tỉ giá USD là 19.500 VND.

Nhưng việc lựa chọn Phương án 2 với tỷ giá USD do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 20.900 VND hiện nay thì giá bán điện bình quân chỉ còn 15,28%.

Với giá bán điện bình quân tăng ở mức 15,28% thì năm 2011 EVN tiếp tục chịu lỗ thêm một khoản là 3.366 tỷ đồng

Không ảnh hưởng nhiều tới đời sống và sản xuất

Với giá điện tăng mới, thì tổng số tiền điện tăng thêm do tăng giá điện khoảng 19.000 tỷ đồng, bằng 0,87% GDP dự kiến năm 2011. Tăng giá điện là tăng trực tiếp CPI khoảng 0,54%-0,72%; tổng số tiền điện tăng thêm đối với các ngành sản xuất khoảng 9.600 tỷ, làm giá thành các ngành sản xuất tăng từ 0,02-9,03%. Trong đó, tác động của tăng giá điện đến khối hành chính sự nghiệp là không lớn, khoảng 832 tỷ đồng, bằng 0,8% tổng chi tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước năm 2011.

Đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo có mức tiêu thụ điện 50kWh/tháng trở xuống, tiền điện phải trả không tăng; hộ có thu nhập trung bình có mức tiêu thụ điện 100kWh/tháng trở xuống, tiền điện tăng thêm do tăng giá điện khoảng 21.400 đồng/tháng. Đối với hộ thu nhập khá có mức tiêu thụ điện hàng tháng đến 200kWh/tháng có tiền điện phải trả tăng thêm tối đa là 55.700 đồng/tháng, chiếm khoảng 1,39% thu nhập. Đối với hộ thu nhập cao với lượng điện tiêu thụ đến 400 kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 97.000- 140.000 đồng/tháng.

Giá bán điện được áp dụng biểu giá điện bậc thang cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm 7 bậc, với bậc thang đầu tiên từ 0-50kWh, có mức giá tương đương giá bán điện bình quân năm, giá bán điện cho các bậc thang tiếp theo tăng dần để khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng điện và bù giá cho người nghèo.

Các hộ sử dụng điện thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ được bù giá 30.000 đồng/tháng/hộ cho 50kWh/tháng. Tiền bù giá điện cho các hộ nghèo được lấy từ tiền bán điện. Việc chi trả tiền bù giá điện tới các hộ sử dụng điện trong danh sách họ nghèo hàng năm do các đơn vị thực hiện chính sách xã hội chịu trách nhiệm thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.

Sẽ tiến hành thí điểm áp dụng giá điện trả trước sử dụng thẻ cho nhóm khách hàng mua điện tạm thời và mua điện ngắn hạn (sinh viên, người thuê nhà).

Khung giá cho điện sinh hoạt tại các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia gồm giá trần và gía sàn, trong đó giá sàn bằng 1,5 lần giá bán điện bình quân cơ sở năm, giá trần bằng 2,5 lần giá bán điện bình quân năm.

Nhóm tin tức HVACR.VN (Theo tin Điện lực Việt Nam)​
 
Back
Bên trên