Review sách Đẹp và Buồn | Kawabata Yasunari

Blog của Hazel

Thành Viên [LV 0]
Vào một ngày mưa rả rích tại Hà Nội, lạc chân vào hiệu sách nhỏ trên phố Đinh Lễ, Đẹp và Buồn đã thu hút tôi từ cái nhìn đầu tiên. Đúng như cái tên của mình, vẻ ngoài của cuốn sách gợi lên trong lòng tôi một nỗi trầm mặc. “Buồn” đối với tôi không có nghĩa là tiêu cực. Nó chỉ là một hình thái cảm xúc của con người để từ nó, chúng ta biết phúc lạc là gì. Vậy nên nỗi buồn cũng mang trong mình vẻ đẹp riêng của nó.

Đẹp và Buồn được xuất bản vào năm 1964. Bốn năm sau đó, nó đã mang về cho Kawabata Yasunari giải thưởng Nobel Văn học đầu tiên. Những ai đã từng đọc qua các tác phẩm của Kawabata, đều biết lối kể chuyện giản đơn, mộc mạc của ông. Các cuốn tiểu thuyết do ông viết đều có cốt chuyện khá dễ đoán, nhịp kể thong thả và thấm đượm nỗi buồn. Có lẽ, đối với tôi, thật khó để tìm được tác gia nào có tài miêu tả giống như Kawabata. Và Đẹp và Buồn đã thể hiện xuất sắc tiêu đề của mình.

Đẹp và Buồn - Kawabata Yasunari | Review

Các cuốn sách đạt giải thưởng Nobel đều rất khó đọc, nhưng Đẹp và Buồn thì không – ít nhất đối với tôi – nó khá đơn giản. Nhưng chính sự giản đơn này là thứ khiến ta phải suy nghĩ nhiều. Trước khi bắt đầu đọc cuốn sách này, bạn cần chuẩn bị cho mình một tâm lý nhẹ nhàng, vì nếu quàng lên nó những quan điểm về luân thường và đạo lý, bạn sẽ không thể cảm nhận được gì ngoài những nghịch lý đến bẽ bàng. Đẹp và Buồn không lồng ghép bất kỳ một bài học đạo đức nào, vậy nên đừng kỳ vọng nhiều ở thông-điệp-mà-tác-giả-gửi-gắm. Chỉ đơn giản là, nếu buồn, hãy đọc nó. Không vui cũng không buồn, hãy đọc nó. Nhưng hãy giữ cho mình tâm trí bình thản. Hãy từ từ tận hưởng nó, hòa mình vào nó.

Mở đầu câu chuyện là cảnh Giao thừa, ông Oki quyết định đến Kyoto để nghe chuông chùa cuối năm, với mong muốn gặp lại Otoko – người mà hai mươi mấy năm về trước ông từng yêu say đắm. Và rồi cố nhân gặp lại cố nhân. Hai mươi mấy năm xa cách đã tạo nên hai con người khác. Nhưng có một điều vẫn không thay đổi, nó là tình yêu mà Otoko dành cho ông Oki, dẫu vì cuộc tình này, cô đã tan vỡ, mất đi đứa con đẻ non, thậm chí đã từng tự tử và hóa điên trong một thời gian. Kể từ lần quay lại Kyoto này, những cuộc gặp gỡ khác giữa người với người tiếp tục xảy ra, mà đằng sau đó là mục đích nhằm trả thù ông Oki do Keiko – học trò của Otoko – sắp đặt.

dep-va-buon-review-kawabata-yasunari-blog-cua-hazel.jpg

Thành công của cuốn sách không chỉ đến từ nội dung; nó đến từ lối kể chuyện giản đơn của Kawabata. Từng câu chữ mà Kawabata đã viết đều đẹp một cách tuyệt mỹ, dẫu chẳng cần phải dùng đến bất kỳ mỹ từ nào khác. Những con chữ thoáng đọc qua thấy rất đơn giản, có vẻ không trau chuốt gì nhiều, nhưng nó vương vấn mãi trong tâm trí tôi cảnh sắc thiên nhiên đẹp đến nao lòng của Nhật Bản, của cố đô Kyoto, của hồ Biwa như thơ như họa, nét đơn sơ của những ngôi chùa bên rặng núi hùng vĩ, và vẻ đẹp của những người đàn bà. Tất thảy mọi thứ, khi ngòi bút của Kawabata chạm đến, đều ánh lên một vẻ đẹp khắc khoải. Một nét đẹp có phần u sầu. Là “tức cảnh sinh tình” hay liệu rằng đây chính là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”? Tôi cho là cả hai.

Toàn bộ không khí trong tác phẩm tựa mặt hồ đầy sương, có phần ảm đạm và đôi lúc ảm đạm đến tuyệt vọng. Điểm xuyết vào trong bầu không khí ấy là những sắc màu tươi mới, rực rỡ của lá cây, của những bông hoa đỗ quyên, hoa anh đào. Cảnh đồi chè khi Otoko theo mẹ đến Kyoto đi qua gợi nhớ tôi về hai khái niệm có vẻ đối lập nhưng lại đi cùng nhau như hai mảnh ghép liền kề của một bức tranh. Chắc chắn không thể có một cái tựa nào khác phù hợp hơn với cuốn sách bằng Đẹp và Buồn.

Sau khi đóng lại bìa sau của cuốn sách, phải mất một lúc, tôi mới thoát ra khỏi câu chuyện. Liệu Keiko có hối hận về những toan tính trả thù của mình không? Liệu Taichiro – con trai của ông Oki – vẫn còn sống? Mối quan hệ của các nhân vật sẽ tiếp diễn ra sao? Tôi không biết, và bạn cũng không biết. Nhưng chắc hẳn điều đọng lại trong bạn sẽ là vẻ đẹp của nỗi buồn, và nỗi sầu chất chứa trong sự cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp.​
 
Back
Bên trên